ĐỀ KIỂM TRA NGỮ VĂN 10 GIỮA HỌC KÌ 2 - ĐỀ SỐ 1 (Năm học 2022-2023)
Hocaz.vn giới thiệu tới các bạn học sinh lớp 10 ĐỀ KIỂM NGỮ VĂN 10 GIỮA KÌ 2 - ĐỀ SỐ 1 (Năm học 2022-2023). Hãy nhanh tay tải về làm bài ôn tập ngay nhé!
ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ II
Môn: NGỮ VĂN 10
(Thời gian làm bài: 90 phút)
Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)
Đọc bài văn bản sau:
THỦ VĨ NGÂM1
Góc thành Nam, lều một gian
No nước uống, thiếu cơm ăn2
Con đòi trốn, dường3 ai quyến
Bà ngựa4 gầy, thiếu kẻ chăn
Ao bởi hẹp hòi khôn thả cá5
Nhà quen xú xứa6, ngại nuôi vằn7
Triều quan chẳng phải8, ẩn chẳng phải
Góc thành Nam, lều một gian
(Nguyễn Trãi toàn tập, Đào Duy Anh, NXB Khoa học xã hội, 1976, tr. 395)
1 Bài thơ này có thể là làm trong lúc Nguyễn Trãi bị giam lỏng ở Đông Quan theo bài tựa của Nguyễn Khắc Kiệm hay là trong lúc ông bị Lê Thái Tổ ruồng bỏ sau khi bị giam vì bị nghi có liên quan với án Trần Nguyên Hãn, tuy được tha và vẫn giữ chức quan, nhưng không được làm việc gì. Chúng tôi (nhóm Đào Duy Anh) đoán là làm trong trường hợp thứ hai, vì trong thơ đã có vẻ chán chường lắm, không thể là giọng thơ của một người thanh niên 30 tuổi còn đầy tráng khí (lúc bị giam lỏng ở Đông Quan) mới gặp khó khăn nhất thời. Vả chăng nếu là bị giam ở Đông Quan thì không thể có câu “Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải”.
2 Bấy giờ không được trọng dụng nữa nên có thể nghèo
3 Dường: dường như
4 Bà ngựa: con ngựa
5 Vì ao hẹp nên khó thả cá
6 Xú xứa: hay thú thứa: nghĩa là xuề xoà, xềnh xoàng
7 Vằn: chó vằn, con chó
8 Triều quan chẳng phải: Bấy giờ tuy vẫn làm quan ở triều, nhưng không có quyền vị như quan ở triều, nên Nguyễn Trãi tự xem là chẳng phải triều quan, song cũng không phải là ẩn sĩ, vì vẫn giữ chức quan mà đi lại chầu hầu
Lựa chọn đáp án đúng nhất:
Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?
- Thất ngôn bát cú Đường luật
- Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật
- Thất ngôn xen lục ngôn
- Song thất lục bát
Câu 2. Bài thơ viết về đề tài gì?
- Vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước
- Tình yêu quê hương đất nước
- Nỗi niềm đau đớn trước cuộc đời
- Cuộc sống thanh bần
Câu 3. Nhận định nào đúng về nhân vật trữ tình trong bài thơ?
- Nhân vật trữ tình là tác giả, xuất hiện trực tiếp qua đại từ “ta”
- Nhân vật trữ tình là tác giả, không xuất hiện trực tiếp trong bài thơ
- Nhân vật trữ tình là tác giả, xuất hiện trực tiếp qua đại từ “mình”
- Nhân vật trữ tình là tác giả, xuất hiện trực tiếp qua đại từ “tôi”
Câu 4. Chủ đề của bài thơ là gì?
- Tình yêu thiên nhiên nơi thôn dã thanh bình
- Tâm sự chua chát, tự trào trước cảnh ngộ của mình.
- Sự chán ghét chốn quan trường
- Tâm sự trước cuộc sống chốn quan trường.
Câu 5. Tác giả sử dụng các biện pháp tu từ gì qua hai cặp câu 3 – 4 và 5 – 6?
- Ẩn dụ, phép đối
- So sánh, phép đối
- Nhân hoá, so sánh
- Ẩn dụ, so sánh
Câu 6. Tác giả muốn nói đến cuộc sống nào qua từ “lều một gian”?
- Cuộc sống thảnh thơi, thanh nhàn.
- Cuộc sống giàu sang, phú quý.
- Cuộc sống khó khăn thiếu thốn.
- Cuộc sống xô bồ, bon chen.
Câu 7. Nhận xét nào đúng về nghệ thuật của bài thơ?
- Thể thơ thất ngôn xen lục ngôn đặc sắc, ngôn ngữ giản dị, giàu sắc thái biểu cảm, gây ấn tượng với người đọc.
- Lối thơ thủ vĩ ngâm, dòng thơ thứ tám lặp lại hoàn toàn dòng thơ thứ nhất; kết hợp thể thơ thất ngôn xen lục ngôn.
- Lối thơ thủ vĩ ngâm, dòng thơ thứ tám lặp lại hoàn toàn dòng thơ thứ nhất, ngôn ngữ giản dị, giàu sắc thái biểu cảm
- Kết hợp thể thơ thất ngôn xen lục ngôn, ngôn ngữ gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân.
Trả lời câu hỏi/ Thực hiện yêu cầu:
Câu 8. Nêu tâm trạng, thái độ của nhân vật trữ tình trong bài thơ?
Câu 9. Những câu thơ, hình ảnh nào trong bài thơ gây ấn tượng với anh/chị? Vì sao? Trả lời trong khoảng 5 - 7 dòng.
Câu 10. Thông điệp nào có ý ngĩa nhất với anh chị qua bài thơ?
Phần II. Viết (4,0 điểm)
Viết bài văn nghị luận trình bày quan niệm của anh/chị về: Nhân cách và phẩm giá là thước đo giá trị của mỗi con người
Các em học sinh tham khảo và tải về file PDF miễn phí để luyện tập nhé! Chúc các em học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi giữa học kỳ 2 sắp tới!